Cuộc sống của vợ chồng sinh con ở tuổi 67

07/01/2025
|
0 lượt xem
Đời Sống Tổ Ấm
Cuộc sống của vợ chồng sinh con ở tuổi 67

Bà Điền Tân Cúc ở thành phố Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông từng làm việc tại Bệnh viện Phụ sản và Sức khỏe trẻ em. Vợ chồng bà đã có hai con, một trai, một gái đều đã lập gia đình.

Năm 2018, bà Điền bị nhồi máu não phải điều trị bằng nhiều loại thuốc. Nhưng do tác dụng phụ của thuốc, bà có kinh nguyệt trở lại và mang thai sau đó không lâu. Dù bác sĩ đưa ra nhiều cảnh báo về sức khỏe nhưng cặp vợ chồng này vẫn quyết giữ con.

Thai kỳ của bà Điền không thuận lợi, phía bệnh viện phải lập một nhóm theo dõi riêng. Sau khi sinh mổ, sức khỏe người phụ nữ này yếu, còn con gái thiếu tháng được chuyển đến khu vực chăm sóc đặc biệt. Cô bé được bố mẹ đặt tên là Hoàng Thiên Tứ với ý nghĩa "Món quà của trời".

Vợ chồng ông bà Điền Tân Cúc và Hoàng Duy Bình mừng sinh nhật con gái 3 tuổi, năm 2022. Ảnh: sohu

Từ khi có thêm con, cuộc sống của cặp vợ chồng già bỗng đảo lộn hoàn toàn.

Vì mẹ không có sữa nên Thiên Tứ phải uống sữa bột, tuy nhiên giá cả đắt đỏ, chưa kể các chi phí sinh hoạt khác nên lương hưu của hai vợ chồng không chi trả đủ. Ông Hoàng Duy Bình (chồng bà) được bạn bè rủ quay lại nghề luật kiếm thêm nhưng do không ai chăm sóc con nhỏ cùng vợ nên đành từ bỏ cơ hội.

"Lần đầu tiên chúng tôi hối hận về quyết định sinh thêm con của mình", bà Điền nói. Sau đó, họ nhận được hỗ trợ từ hai con lớn - những người từng phản đối việc mẹ sinh thêm em - nên cuộc sống dần ổn định.

Năm Thiên Tứ ba tuổi và đi học, hai vợ chồng bắt đầu học livestream bán đồ trẻ em. Thu nhập không cao nhưng cuộc sống được cải thiện.

Gần đây gia đình này lại gặp biến cố nghiêm trọng.

Tháng 2/2024, bà Điền bị tai nạn xe hơi, phải nằm liệt giường thời gian dài. Ông Hoàng Duy Bình vừa chăm vợ, vừa chăm con gái 5 tuổi. Hàng ngày ông thức dậy 5h30, giúp vợ vệ sinh cá nhân, nấu bữa sáng rồi đưa con đến lớp. Tiếp đó ông quay về giúp vợ tập đi, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ.

"Nhiều lúc tôi kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần nhưng không dám thể hiện ra ngoài vì sợ bà ấy buồn, cho rằng mình là gánh nặng", người đàn ông 73 tuổi nói.

Chiều đến sau khi đón con gái tan học, ông Hoàng lại chăm sóc Thiên Tứ từ tắm rửa, ăn uống, dạy học. Khi cô bé ngủ say, ông lại giúp vợ vệ sinh cá nhân trước khi đi ngủ. Nửa đêm ông mới kết thúc ngày làm việc của mình.

Từ ngày bị tai nạn, mọi hoạt động của bà Điền Tân Cúc đều phải dựa vào chồng. Ảnh: sohu

Vừa chăm vợ ốm, vừa chăm con nhỏ, ông Hoàng Duy Bình nhận ra nếu chỉ dựa vào lương hưu, không còn đáp ứng đủ chi phí ngày một gia tăng của gia đình. Vì vậy ông cố gắng trở thành KOL để kiếm thêm thu nhập.

Thay vì livestream bán hàng như trước, người đàn ông này bắt đầu làm video chia sẻ về cuộc sống thường nhật như nấu ăn, chăm sóc vợ và con gái mong có thêm thu nhập từ truyền thông. Những video của ông thu hút sự chú ý và quan tâm của nhiều người.

Qua những video của cha, cô bé Thiên Tứ được nhiều người khen ngợi bởi tính tự lập, 5 tuổi đã tự giặt quần áo, giúp bố chăm sóc mẹ, làm việc nhà cũng như tự giác học bài mà không cần ai nhắc nhở. Nhiều người đánh giá, vì sinh ra trong gia đình đặc biệt nên Thiên Tứ bắt buộc phải trưởng thành sớm hơn trẻ đồng trang lứa.

Ngoài sự yêu mến cũng có không ít người phê phán. Họ cho rằng, ông Hoàng đang dùng con gái để kiếm tiền. Trước những lời lẽ chỉ trích, người đàn ông 73 tuổi thừa nhận thực sự muốn kiếm tiền nuôi con cũng như thuốc thang cho vợ.

"Nếu việc đó tích góp được nhiều hơn cho tương lai của con gái và sức khỏe của vợ thì không có gì phải xấu hổ", ông nói.

Do vợ bị tai nạn xe nên nhiều tháng nay, một mình ông Hoàng Duy Bình vừa chăm vợ, vừa chăm con nhỏ. Ảnh: sohu

Với bà Điền, chưa khi nào bà nghĩ cuộc đời mình lại trở về vạch xuất phát khi đã 67 tuổi. "Trong khi bạn bè ở tuổi này đã có thể nghỉ ngơi, đi du lịch khắp nơi khắp chốn hưởng thụ tuổi già thì chồng tôi vẫn phải làm việc để nuôi con", bà nói.

Người phụ nữ này cho hay từ lúc bị tai nạn phải nằm một chỗ, nhiều lúc bế tắc cũng muốn tìm người để tâm sự. Nhưng giờ mối quan tâm của bà và những người bạn lại khác nhau quá xa. Không còn tiếng nói chung, họ cũng ít trò chuyện.

"Nhiều người hỏi tôi giờ có mong muốn gì không. Thực sự còn sống để nhìn thấy chồng con hàng ngày đã mãn nguyện rồi", bà Điền nói.

Trang Vy (Theo toutiao)

Tin liên quan
Tin Nổi bật