Nguyên nhân chủ yếu là vào giờ cao điểm, mọi người đổ dồn về nhà cùng lúc. Khi thời tiết xấu như mưa lớn kèm ngập úng, lưu lượng phương tiện tăng đột biến khiến giao thông ách tắc. Nhiều giải pháp đang được triển khai như phát triển giao thông công cộng, mở rộng hạ tầng và nâng cấp hệ thống thoát nước, nhưng những phương án này đều cần chi phí lớn và thời gian rất dài mới thấy được hiệu quả.
Trong khi đó, đường phố vẫn kẹt mỗi ngày, cần tới những giải pháp khả thi trước mắt nhằm thích ứng với tình trạng giao thông khó cải thiện. Theo tôi, một phần cách giải quyết nằm trong chính nguyên nhân của nó: giảm áp lực giao thông vào giờ tan tầm.
Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được dưới hai hình thức: khuyến khích người dân tăng cường ứng dụng công nghệ, chủ động tránh giờ cao điểm, và điều chỉnh giờ làm phù hợp với các nhóm đối tượng.
Nhiều năm qua, tôi sử dụng Waze, một ứng dụng miễn phí được Google mua lại từ một start-up ở Israel vào năm 2013, và rất ấn tượng với khả năng ước tính thời gian đến nơi dựa trên các yếu tố như lưu lượng giao thông, điều kiện đường sá hiện tại và lịch sử giao thông. Tính năng này giúp người dùng linh hoạt điều chỉnh lịch trình để tránh những khoảng cao điểm.
Chẳng hạn, khi di chuyển từ quận 1 đến quận 12, công cụ không những chỉ ra lộ trình để tránh kẹt xe mà còn cung cấp thời gian dự kiến theo giờ khởi hành để người dùng tra cứu tham khảo. Ví dụ, vào lúc 17 giờ chiều, chuyến đi có thể kéo dài 90 phút, nhưng nếu khởi hành trễ hơn vào lúc 19 giờ, chỉ mất 45 phút. Nhờ đó, những người độc thân chưa vướng bận nhà cửa con cái như tôi có thể lựa chọn ở lại làm việc hoặc thư giãn tại quán cà phê thay vì vội vã ra đường, lãng phí thời gian và góp phần tăng kẹt xe.
Ứng dụng còn thu thập thông tin từ người dùng và các nguồn dữ liệu khác để cung cấp tình trạng giao thông, tai nạn, vị trí đào đường và chướng ngại vật. Khi được thông tin dự báo kịp thời, người dùng có thể điều chỉnh lộ trình, thay đổi giờ về nhà, hoặc tìm một quán ăn ngon, quán cà phê gần đó.
Ngoài việc trông chờ vào sự chủ động của người dân, TP HCM và Hà Nội có thể cân nhắc áp dụng chế độ làm việc linh hoạt hơn, đặc biệt trong mùa mưa lớn, để phân tải áp lực giao thông. Việc các công ty cho nhân viên làm việc từ xa (WFH) một số ngày trong tuần không chỉ giảm số lượng phương tiện lưu thông mà còn bảo vệ sức khỏe và tinh thần cho người lao động, giúp họ tránh di chuyển trong thời tiết xấu. Chế độ WFH linh hoạt 1-2 ngày mỗi tuần cũng là một điểm thu hút đối với lực lượng lao động trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z.
Một số doanh nghiệp có thể triển khai chính sách làm việc lệch giờ, bằng cách điều chỉnh giờ làm việc của các nhóm nhân sự theo khung thời gian khác nhau.
Tắc đường giờ tan tầm không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà xảy ra ở cả các đô thị có hạ tầng giao thông phát triển. Chiến lược giờ làm việc linh hoạt vì vậy, đã được nhiều quốc gia như Anh, Australia, Phần Lan... áp dụng như một giải pháp để giảm kẹt xe. Điều này là hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hiện nay, máy tính xách tay, internet tốc độ cao và công nghệ đám mây cho phép nhân viên không còn cần phải di chuyển đến một địa điểm cố định để làm việc nữa.
Trong một cuộc khảo sát các nhân viên từ mười công ty lớn nhất của Melbourne, Australia, 58% người tham gia khẳng định có thể thực hiện ít nhất một nửa nhiệm vụ công việc của mình khi không ở văn phòng và 30% nhân viên cho biết 80% hoặc hơn nhiệm vụ công việc của họ có thể hoàn thành từ xa.
Sau đại dịch, nhiều công ty tại Singapore cho phép nhân viên lựa chọn thời gian làm việc để tránh giờ cao điểm. Chẳng hạn, nhân viên có thể bắt đầu lúc 10 giờ sáng và kết thúc vào 8 giờ tối. Khung giờ này rất được ưa chuộng bởi những người trẻ tuổi và độc thân, khi đa số họ thường có thói quen thức khuya và ngủ dậy trễ. Trong khi đó, nhân viên có gia đình và con nhỏ thường thích đi làm sớm hơn, bắt đầu lúc 7 giờ sáng và ra về lúc 4 giờ chiều để tiện việc đưa đón con.
Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023 cho thấy, lao động độ tuổi 15-24 ở thành thị Việt Nam chiếm tới 39,9%, trong khi trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của người Việt là 27. Như vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng, việc điều chỉnh giờ làm đối với nhóm trẻ và độc thân này sẽ giảm phần nào áp lực giao thông giờ cao điểm.
Các biện pháp này không chỉ cải thiện tình hình giao thông mà còn tăng cường năng suất làm việc và sự hài lòng của người lao động. Nghiên cứu của PwC cho thấy 83% nhà tuyển dụng và 71% nhân viên thích làm việc từ xa. Hơn nữa, 52% nhà quản lý nhận thấy năng suất và hiệu quả tăng vọt khi áp dụng lịch làm việc linh hoạt.
Tôi muốn nhấn mạnh lại, đây là những giải pháp trước mắt, mang tính tình thế, và không áp dụng với tất cả cơ quan, tổ chức hay vị trí việc làm, mà chỉ phát huy hiệu quả với những doanh nghiệp có tính chất công việc phù hợp, nhằm góp phần giảm áp lực giao thông giờ cao điểm.
Phát triển hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt, nâng cấp vỉa hè, xây dựng cầu vượt cho người đi bộ, điều chỉnh quy hoạch giãn dân, đưa trường đại học ra các đô thị vệ tinh và hạn chế phương tiện cá nhân mới là những giải pháp lâu dài để giải quyết triệt để vấn đề kẹt xe.
Trình Phương Quân