Trong một tuần nữa, hơn 200 triệu cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu lựa chọn giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris để làm người lãnh đạo đất nước trong 4 năm tới.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump và bà Harris đã đưa ra hai tầm nhìn chính sách hoàn toàn khác biệt về nhiều chính sách quan trọng cho nước Mỹ, đặc biệt là kinh tế và nhập cư, hai vấn đề nóng được cử tri quan tâm hàng đầu.
Kinh tế
Mặc dù bức tranh kinh tế Mỹ nhìn chung đã tươi sáng hơn trong những tháng gần đây, Phó tổng thống Harris thừa nhận sau gần 4 năm nhiệm kỳ của cấp trưởng Joe Biden, chi phí sinh hoạt "vẫn còn quá cao" với người Mỹ vì lạm phát tăng vọt.
Ứng viên đảng Dân chủ nói bà muốn xây dựng "nền kinh tế cơ hội", tập trung vào tầng lớp trung lưu, với các kế hoạch chống đầu cơ giá, thúc đẩy phát triển nhà ở, hỗ trợ người mua nhà lần đầu và mở rộng tín dụng thuế trẻ em. Tín dụng thuế trẻ em được hiểu là khoản khấu trừ thuế mà các gia đình có thể nhận khi sinh con.
Bà Harris cũng cam kết cắt giảm thuế cho hàng chục triệu gia đình có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời ủng hộ giảm thuế cho các doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, bà muốn tăng thuế đối với doanh nghiệp lớn và người Mỹ có thu nhập từ 400.000 USD mỗi năm.
Phó tổng thống cũng ủng hộ đề xuất bỏ thuế tiền boa, điều mà ông Trump cũng đồng tình. Thông thường, những người làm nghề phục vụ ở Mỹ sẽ nhận tiền boa tương đương 15-20% hóa đơn. Sở Thuế vụ Mỹ coi đây là khoản thu nhập bị tính thuế.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump (trái) và Phó tổng thống Kamala Harris trong cuộc tranh luận tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania tối 10/9. Ảnh: AFP
Trong lĩnh vực thương mại, bà Harris dự kiến duy trì chính sách dưới thời Tổng thống Biden, dựa vào thuế quan và hạn chế xuất khẩu để thúc đẩy khả năng cạnh tranh trong nước với hàng Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử, bà cũng đã đề cập tới các khoản đầu tư đầy tham vọng của chính quyền Biden vào cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, ông Trump cam kết "chấm dứt lạm phát và giúp nước Mỹ có giá cả phù hợp hơn". Cam kết giảm lạm phát của ông Trump chủ yếu dựa vào kế hoạch cắt giảm giá năng lượng bằng cách tăng khoan thăm dò, khai thác dầu khí, bãi bỏ các quy định về môi trường liên quan đến hoạt động này.
Ông đã chỉ trích gay gắt việc tăng lãi suất, vốn được xem là công cụ chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Trump gần đây cho rằng tổng thống nên có tiếng nói trong các quyết định của Fed, cơ quan vốn hoạt động độc lập với chính quyền Mỹ.
Cựu tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ gia hạn và mở rộng loạt biện pháp cắt giảm thuế mà ông từng ký thành luật năm 2017, đồng thời cam kết giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15% đối với những công ty sản xuất tại Mỹ. Trump tuyên bố sẽ miễn thuế thu nhập cho các chế độ phúc lợi an sinh xã hội và các khoản tiền boa khi ông trở lại Nhà Trắng.
Ông Trump từng tự gọi mình là "người đánh thuế", coi đây là giải pháp cho nhiều vấn đề kinh tế của Mỹ, từ phục hồi ngành công nghiệp ôtô trì trệ đến giảm chi phí chăm sóc trẻ em. Cựu tổng thống đề xuất áp mức thuế chung 10-20% đối với hàng nhập khẩu, cũng như áp thuế tới 60% hoặc thậm chí cao hơn với hàng hóa Trung Quốc.
Ông cũng cho biết sẽ yêu cầu quốc hội trao thẩm quyền áp đặt đòn thuế quan đáp trả đối với bất kỳ quốc gia nào đánh thuế hàng Mỹ.
Các nhà phân tích đánh giá kế hoạch thuế của cả hai ứng viên Mỹ đều sẽ dẫn tới tăng thâm hụt ngân sách, song thêm rằng kế hoạch của ông Trump có thể gây thâm hụt lớn hơn và lạm phát cao hơn.
Nhập cư và an ninh biên giới
Vào tháng 1/2021, trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh đảo ngược một số chính sách nhập cư của ông Trump, như ngừng xây tường biên giới Mỹ - Mexico, dỡ lệnh cấm nhập cảnh với công dân một số quốc gia, chủ yếu là nước Hồi giáo. Ông cũng yêu cầu nội các làm việc để duy trì các biện pháp bảo vệ hàng trăm nghìn người được đưa tới Mỹ khi còn nhỏ không bị trục xuất.
Các động thái của Tổng thống Biden đã mở hy vọng cho hàng triệu người muốn tìm đường tới Mỹ, kích hoạt làn sóng người nhập cư ồ ạt tới Mexico để vượt biên vào nước này. Khi khủng hoảng ở biên giới gia tăng, ông Biden đầu năm 2023 giao cho bà Harris nhiệm vụ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng nhập cư vào Mỹ.
Đây là lý do ông Trump và đồng minh liên tục công kích bà Harris, gọi Phó tổng thống là "bà hoàng biên giới thất bại". Bà Harris năm 2021 từng khiến các thành viên cấp tiến trong đảng Dân chủ tức giận vì cảnh báo người nhập cư đừng đến Mỹ.
"Đừng tới đây. Nước Mỹ sẽ tiếp tục thực thi luật pháp và bảo vệ biên giới", bà Harris nói trong cuộc họp báo chung với tổng thống Guatemala. "Nếu tới biên giới Mỹ, các bạn sẽ phải quay lại".
Bà Harris cũng từng bị chỉ trích nặng nề vì không tới thăm biên giới Mỹ vào đầu nhiệm kỳ. Khi đến biên giới vào tháng 6/2021, bà Harris dường như giảm bớt mức độ cứng rắn trong chính sách của mình, nói rằng vấn đề nhập cư "không thể bị chính trị hóa", bởi nó "liên quan đến trẻ em, các gia đình và nỗi đau khổ".
Ông Trump và đảng Cộng hòa đổ lỗi cho chính quyền Biden - Harris về tình hình vượt biên trái phép ở khu vực biên giới, cho rằng vấn đề nằm ở những chính sách nhập cư quá khoan nhượng.
Bà Harris đã nỗ lực tìm cách đảo ngược tình thế bằng cách đưa ra lập trường ngày càng cứng rắn về người tị nạn và ủng hộ siết an ninh biên giới. Bà đề xuất nếu lực lượng biên phòng ghi nhận trên 1.500 vụ vượt biên trái phép mỗi tuần, Mỹ sẽ ngừng tiếp nhận đơn xin tị nạn của người di cư.
Trong chuyến thăm khu vực biên giới giáp Mexico tại bang Arizona hồi tháng 9, bà Harris vạch kế hoạch siết hạn chế với người tị nạn. Quan chức chiến dịch của bà Harris cho biết bà dự định đề xuất mức thấp hơn để thực thi biện pháp hạn chế tiếp nhận đơn xin tị nạn.
Đây được xem là nỗ lực đáng chú ý của bà Harris khi Mỹ đã ghi nhận mức kỷ lục 10 triệu vụ vượt biên trái phép kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.
Bà đầu năm nay ủng hộ dự luật an ninh biên giới lưỡng đảng nhằm "khắc phục hệ thống nhập cư nhiều khiếm khuyết", nhưng ông Trump đã gây sức ép để các thành viên Cộng hòa ở Hạ viện không thông qua dự luật, cho rằng nó sẽ "chỉ đem lại lợi ích cho phe Dân chủ".
Harris cáo buộc chính ông Trump "hủy hoại" dự luật an ninh biên giới lưỡng đảng, kết sẽ hồi sinh nó nếu bà đắc cử. Dự luật an ninh biên giới mà phe Dân chủ đề xuất bao gồm những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống tị nạn của quốc gia và cơ chế đóng cửa biên giới một cách hiệu quả đối với hầu hết người di cư khi số lượng người vượt biên đặc biệt cao.
Bà Harris đã kêu gọi cải cách toàn diện chính sách nhập cư, bao gồm xây dựng lộ trình cho phép người nhập cư trở thành công dân Mỹ một cách hợp pháp, đặc biệt là trẻ em.
Cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm tại Daytona Beach, bang Florida ngày 21/10. Ảnh: AFP
Ông Trump trong khi đó thể hiện lập trường cứng rắn hơn về nhập cư. Cựu tổng thống cam kết sẽ tiến hành đợt trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ đối với người nhập cư không có giấy tờ. Các chuyên gia cảnh báo kế hoạch này có thể đối mặt với nhiều thách thức pháp lý.
Cựu tổng thống cũng dự định khôi phục một số chính sách gây tranh cãi trong nhiệm kỳ đầu. Một trong đó là chương trình "Ở lại Mexico", yêu cầu người xin tị nạn phải ở lại Mexico cho đến ngày hồ sơ của họ được phía Mỹ phê duyệt.
Tòa án Tối cao hồi tháng 6/2022 đã trao thẩm quyền chấm dứt chương trình "Ở lại Mexico" cho chính quyền Tổng thống Biden. Tới tháng 12 năm đó, một thẩm phán liên bang đã chặn thẩm quyền của chính quyền Biden, song không ra lệnh khôi phục chính sách này.
Một số chính sách khác có thể được khôi phục gồm Title 42 và lệnh cấm đi lại nhắm vào một số quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Title 42 là sắc lệnh y tế khẩn cấp được ông Trump ban hành năm 2020 nhằm đối phó đại dịch Covid-19, cho phép quan chức Mỹ nhanh chóng trục xuất những người di cư bị bắt tại biên giới Mỹ - Mexico và hạn chế dòng người nhập cư vào nước này.
Một trong những đề xuất đáng chú ý của ông Trump là chấm dứt quyền công dân với những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ có bố mẹ là người nhập cư không giấy tờ. Đề xuất này cũng được giới chuyên gia cho là khó có thể được tòa án thông qua.
Thùy Lâm (Theo AP, Guardian, BBC, CNN)